Thiên đường không có sẵn bất cứ đâu cho bạn trái ngọt nếu bản thân chưa một lần trải vị đắng. Du học sinh Việt với những câu chuyện, lời tâm sự, chia sẻ sẽ giúp người ngoài cuộc hiểu rõ hơn những giá trị thật sự từ hành trình đến một đất nước mới sau đánh đổi của nước mắt, mồ hôi và những nụ cười.
Du học không còn là câu chuyện xa lạ với các bạn trẻ hay những gia đình có định hướng cho con em học ở nước ngoài từ nhỏ. Đặc biệt trong hiện tại, cơ hội du học với nhiều người thuận lợi hơn nhờ những chương trình học bổng, chính sách mở cửa, cấp visa ở nhiều quốc gia, châu lục trên thế giới.
Trên mạng xã hội có nhiều bài viết chia sẻ những “vỡ mộng”, khó khăn không ai thấu khi du học ở nước ngoài, thậm chí những câu chuyện dở khóc dở cười bạn phải đối diện khi trở về nước. Xét về tính chất, du học và học tại quê nhà là bài toán khó tìm lời giải chính xác, mọi câu trả lời từ người ngoài đều không thật sự khách quan. Nhiều bạn trẻ có kế hoạch du học từ rất sớm, cũng có nhiều trường hợp lựa chọn du học khi hoàn thành xong chương trình học ở Việt Nam, hệ vừa học vừa làm. Dù hình thức du học như thế nào, đa phần họ đều ấp ủ một giấc mơ, mục đích riêng muốn nuôi dưỡng tại vùng đất đó.
Du học cho bạn bước đà xa trong cuộc đua “trưởng thành”
Du học sinh Bùi Ngọc Nam Trân (du học sinh năm thứ ba tại Mỹ, sinh sống tại thành phố Seattle bang Washington, học trường North Seattle College, chuyên ngành Human Resources) cho biết: “Ngay lúc đặt chân lên đất Mỹ, mình thốt lên ngay được câu “Jesus, I love this place”. Mặc dù không hẳn như tưởng tượng của mình nhưng cảm giác “Feel like home” là thật. Những ngày đầu khá bỡ ngỡ nhưng những người xung quanh không làm mình có cảm giác lo lắng, vì mọi người rất thân thiện. Ngay khi đang ở trên máy bay, Trân vẫn rất lo ngoại ngữ mình không tốt, sợ người ta sẽ coi thường, ngại tiếp xúc. Nhưng không, mọi người rất thoải mái, họ hiểu là Tiếng Anh chính là ngôn ngữ thứ hai của mình nên không ngại chỉ bảo, giúp đỡ mình. Vả lại ở đây gần 60% là người Châu Á nên cảm giác gần gũi nhân đôi”.
Vấn đề về ngôn ngữ, tâm lý rụt rè, hay xấu hổ được xem là cản trở lớn nhất của người Việt khi hội nhập vào cộng đồng xã hội rộng lớn.
“Kỉ niệm đắt nhất trong 19 năm cuộc đời của mình vẫn là ngày đầu tiên nhận đồng lương do mình làm ra, mình còn rơm rớm nước mắt nữa cơ. Kể từ đó, mình hiểu hơn về giá trị của đồng tiền, hiểu được việc chịu khổ để có những ngày tháng tuổi trẻ thật dài và luôn “cháy” ở nước Mỹ là xứng đáng. Trải qua hai mùa Tết ở đây, Trân nhìn lại chặng đường đó cảm giác rất tự hào. Mọi quyết định của bản thân có sức nặng nên làm Trân trưởng thành, chững chạc hơn. Bây giờ không còn là Nam Trân ngây ngô như hồi mới qua nữa (cười lớn)” – Trân chia sẻ.
Du học không phải giấc mơ màu hồng nhưng sẽ là những chương đẹp nhất của tuổi trẻ
Những “vỡ mộng” khi du học là điều không thể tránh khỏi. Từ nhu cầu thiết yếu là ăn uống không được đáp ứng đầy đủ “Những ngày đầu ở Mỹ, mấy tuần liền Trân chỉ ăn mì tôm đem từ Việt Nam qua, đây được xem là kĩ năng sinh tồn lớn đấy” đến những thiếu thốn, non nớt trong tình cảm “Mình ở Mỹ được hai năm, trên dưới 1000 lần muốn bỏ tất cả đề trở về với ba mẹ vì rắc rối trong các mối quan hệ, nhưng cuối cùng cũng vượt qua hết, mình vẫn ngồi ở đây cố gắng yêu thương, chăm sóc bản thân mỗi ngày. Chẳng phải cũng 1000 lần mình đã chiến đấu để ở lại hay sao?” – Nguyễn Hồng Nhung (du học sinh Mỹ) tâm sự. Áp lực về học tập, thi cử, tài chính song hành đè nén không thua kém bạn bè ở Việt Nam đã khiến Nhung “nhiều lần phải ngồi vào bàn học vừa làm deadline vừa…khóc, còn chuyên ngành thì càng vào sâu càng khó”.
Nỗi niềm không riêng ai của du học sinh là thế, ở bất kỳ quốc gia, lãnh thổ nào, việc sống tự lập là điều không thể qua loa, dễ dãi thực hiện. Thế nhưng, “Không nỗi đau rứt lá sao làm nổi nhành mai”, trái ngọt vẫn ra quả với những ai luôn cố gắng cho ước mơ chân chính của mình.
“Mình nhớ gia đình và bạn bè, nhưng nhung nhớ và học tập là hai chuyện khác nhau, cũng nhờ có thiết bị liên lạc hiện đại nên khoảng cách tình cảm rút ngắn lại. Mình nghĩ đến với Nhật Bản hay bất cứ đâu cũng sẽ cho bạn những cơ hội “tô màu” thanh xuân và mối quan hệ với bạn bè quốc tế rất đặc biệt. Họ có thể là những người tốt, cũng có thể khi rời đi sẽ để lại những bài học đắt giá cho bạn. Nhưng đừng lo lắng quá nhiều, như cách nói “mọi chuyện sẽ ổn thôi”, dù bạn không thể khiến thanh xuân ở đây tươi đẹp, bạn cũng đã “thành nhân” một phần nào đấy còn gì” – Thùy Trang (du học sinh Nhật, chuyên ngành biên phiên dịch tại Đại học Osaka) chia sẻ. Qua hai năm ở Mỹ, cả Trân và Nhung đều nhìn thấy sự thay đổi rõ rệt ở bản thân từ cách nghĩ đến cách sống. Sống bản lĩnh hơn, trải nghiệm nhiều, hiểu được lòng người và cách giải quyết mọi rắc rối trong cuộc sống. Cụ thể, cả hai đều rất tự tin sống tốt nếu bị “thả” ở một nơi nào đây xa lạ.
Du học là hành trình, không phải đích đến cho bạn phần thưởng hào nhoáng, hấp dẫn. Vậy nên, những ai có ý định du học hãy chuẩn bị cho mình một tâm lý hòa nhập, bao giờ thấy sẵn sàng trong mọi vấn đề cá nhân, không do dự rồi hẵng đi.
Đừng nghĩ mình là con chim bé nhỏ giữa sóng vỗ đại ngàn. “Dám bước ra thế giới một lần, chọn một vùng đất bạn tin tưởng, cho bản thân quyền sai, vấp ngã vì mọi việc sẽ có lí do riêng. Hãy đến đây đi, đừng sợ, thật tốt biết bao nhiêu nếu đến đây và học cách trưởng thành.”